Nội dung chính
Trong lĩnh vực xây dựng hay trang trí nhà ở thì các sản phẩm bằng gỗ luôn được ưa chuộng đặc biệt tại Việt Nam. Trong bài viết này Xây dựng NND chia sẻ các bạn 1 số thông tin về dòng gỗ Veneer để mọi người có những kiến thức và thông tin khi lựa chọn dòng vật liệu này.
Khái niệm về Gỗ Veneer là gì?
Gỗ Veneer hay còn có tên gọi khác là gỗ ván lạng. Về bản chất, cơ bản gỗ veneer cũng có nguồn gốc từ gỗ tự nhiên. Tuy nhiên thay vì sử dụng nguyên khối gỗ để gia công thành vật dụng, người ta sẽ lạng ra thành từng miếng ván mỏng với bề dày khoảng 0.3mm-0.6 mm và thường không vượt quá 3mm (1/8 inch). Sau đó, miếng ván lạng này sẽ được dán vào các cốt gỗ công nghiệp ( MDF, MFC, gỗ Plywood,…) để tạo ra những sản phẩm có bề ngoài không khác gì gỗ tự nhiên.
Kiến thức về gỗ Veneer là gì?
Đặc điểm của Gỗ Veneer
Có thể nói nếu là người không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất gỗ, chắc chắn bạn sẽ không thể phân biệt được gỗ veneer và gỗ tự nhiên khi quan sát bằng mắt thường. Bởi lẽ gỗ veneer mang đặc điểm của gỗ tự nhiên lẫn gỗ công nghiệp.
Trước tiên, về hình thức bên ngoài, gỗ veneer sở hữu màu sắc và các đường vân hoàn hảo của gỗ tự nhiên. Phần cốt bên trong lại mang các đặc điểm của gỗ công nghiệp về khả năng chống mối mọt và tiết kiệm chi phí hiệu quả. Do đó, loại vật liệu thông minh này hiện đang rất được ưa chuộng kể cả người tiêu dùng lẫn các đơn vị sản xuất đồ nội thất.
Phân tích ưu và nhược điểm của gỗ Veneer
Để có cái nhìn rõ hơn, chúng ta hãy cùng phân tích thật chi tiết về ưu và nhược điểm của gỗ Veneer:
Ưu điểm
Một sự thật không thể phủ nhận chính là tính thẩm mỹ rất cao của đồ nội thất làm từ gỗ tự nhiên. Tuy vậy, thử tưởng tượng nếu chỉ tập trung khai thác gỗ để phục vụ cho nhu cầu sử dụng của con người thì sẽ có bao nhiêu gốc cây bị đốn hạ?
Đứng trước bài toán bảo vệ cây xanh và môi trường tự nhiên, loại gỗ này có thể được xem như biện pháp cực kỳ hiệu quả khi giải quyết được vấn đề nguồn cung nguyên vật liệu. Đồng thời, với sự đa dạng về màu sắc, đường vân gỗ, các sản phẩm làm từ gỗ veneer cũng đáp ứng được nhu cầu sử dụng của khách hàng về tính thẩm mỹ.
Chưa kể giá thành cho các sản phẩm này lại thấp hơn rất nhiều so với gỗ tự nhiên, phù hợp với khả năng tài chính của nhiều phân khúc khách hàng khác nhau. Đặc biệt, thời gian thi công gỗ veneer nhanh hơn còn giúp giảm chi phí cho các cơ sở sản xuất gỗ và gia công đồ nội thất.
Tính đa dạng về màu sắc của các loại gỗ veneer trên thị trường hiện nay giúp bạn dễ dàng lựa chọn vật liệu để phục vụ mục đích mình cần dùng.
Nhược điểm
Tuy nhiên bất kỳ loại vật liệu nào cũng tồn tại những điểm hạn chế nhất định. Trước hết so với gỗ tự nhiên thì độ bền, khả năng chống thấm của gỗ veneer thường kém hơn khá nhiều. Bởi lẽ do quá trình sản xuất, người ta phải dùng loại keo chuyên dụng để dán miếng ván lạng làm thành bề mặt cho khối gỗ công nghiệp.
Theo thời gian nếu có tác động ngoại lực hoặc các yếu tố khác như nhiệt độ, độ ẩm có thể khiến lớp keo này giảm dần độ kết dính và làm cho lớp veneer bị bong ra hoặc bị cong vênh. Do đó có thể thấy đa số gỗ veneer hiện nay thường chỉ được dùng làm các đồ nội thất đặt ở nơi khô ráo và ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố tự nhiên bên ngoài.
So sánh điểm khác nhau giữa Veneer với gỗ tự nhiên và gỗ Melamine (MFC)
Như chúng ta đã biết, gỗ veneer chính là sự kết hợp giữa gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp ( MFC). Vậy làm thế nào để phân biệt được gỗ veneer với hai loại gỗ này. Hãy thử tìm hiểu xem sao bạn nhé!
Phân biệt Veneer với gỗ tự nhiên (gỗ thịt)
Nếu quan sát bằng mắt thường, quả thật sẽ rất khó để chúng ta phân biệt được gỗ veneer và gỗ thịt. Tuy nhiên nếu xét về trọng lượng, gỗ veneer sẽ nhẹ hơn rất nhiều. Đồng thời cấu tạo gỗ tự nhiên sẽ cứng cáp và chắc chắn nên khả năng chống thấm và chống cong vênh sẽ tốt hơn.
Bên cạnh đó, nếu cắt ra và quan sát bên trong, bạn sẽ thấy gỗ veneer có cấu tạo hai lớp với màu sắc chênh lệch nhau, bao gồm một lớp gỗ tự nhiên mỏng bên ngoài và phần còn lại bên trong là gỗ công nghiệp. Cuối cùng nếu tinh ý bạn sẽ còn thấy được sự khác biệt giữa gỗ tự nhiên và gỗ veneer ở các đường vân bên ngoài.
Do được làm từ một khối gỗ duy nhất, nên các đường vân trên gỗ tự nhiên thường có sự liền mạch và màu sắc cũng đồng bộ với nhau. Trong khi đó, bề mặt của gỗ veneer thường là sự gắn kết của nhiều ván gỗ lại, nên các đường vân sẽ không có được sự liền mạch với nhau.
3. Màu sắc khác biệt giữa các lớp bên trong gỗ veneer
Phân biệt gỗ Veneer với MFC
Về kỹ thuật sản xuất, gỗ MFC cũng được gắn kết từ nhiều lớp lại với nhau. Tuy nhiên nếu gỗ veneer có lớp ngoài là gỗ hoàn toàn tự nhiên thì gỗ MFC lại là một lớp nhựa cứng. Do đó mặc dù tính thẩm mỹ không đẹp bằng gỗ veneer nhưng gỗ MFC lại có khả năng chống trầy xước tốt hơn.
Đồng thời đối với gỗ MFC chúng ta có thể dùng xăng, dầu hoặc hoá chất để xử lý vết bẩn, còn gỗ veneer thì không. Ngược lại gỗ veneer có thể sử dụng làm các đồ nội thất có hình dáng đa dạng như uốn cong trong khi gỗ MFC thì lại hoàn toàn không thể.
Có bao nhiêu loại gỗ Veneer hiện nay
Thực tế sẽ rất khó để thống kê được con số cụ thể xem có tất cả bao nhiêu loại gỗ Veneer. Bởi lẽ chúng ta có thể sử dụng bất kỳ loại gỗ tự nhiên nào để gia công làm bề mặt cho gỗ veneer. Tuy vậy, trên thị trường hiện nay phổ biến và thông dụng nhất phải kể đến các loại gỗ như sau:
Veneer sồi
Lớp ngoài của veneer sồi được làm từ gỗ cây sồi hay còn có tên gọi khác là OAK. Nguồn gốc của loại gỗ này chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ hoặc Châu Âu. Tuy gỗ veneer sồi có khả năng chống chịu lực va đập tốt, có thể uốn cong bằng hơi nước nhưng lại bị biến dạng ở nhiệt độ cao khi sấy hoặc phơi nắng. Do đó loại gỗ này thường được dùng chủ yếu để làm bàn, ghế, giường ngủ,…
Gỗ Veneer óc chó
Gỗ óc chó ( Walnut) là loại gỗ được đánh giá có tính bền bỉ cao và có chất lượng tốt nhất hiện nay. Đồng thời nếu bên ngoài, chúng ta có thể nhận ra đây là gỗ óc chó bởi màu trắng kem đặc trưng, ở trung tâm gỗ có màu nâu nhạt hoặc socola. Một số loại gỗ óc chó quý hiếm còn có ánh tím đỏ và sọc sậm nhìn rất đẹp và sang trọng.
Đa số gỗ veneer óc chó hiện nay ở nước ta thường được nhập khẩu từ Bắc Mỹ. Với những đặc tính kể trên, gỗ veneer óc chó khá được lòng người tiêu dùng bởi khả năng chống nóng ẩm, tính bền bỉ cao và khá phù hợp với điều kiện khí hậu ở Việt Nam.
4. Mặt sàn sử dụng gỗ veneer óc chó
Veneer xoan đào
Tương tự như gỗ veneer óc chó, gỗ veneer làm từ chất liệu gỗ xoan đào cũng đang được rất nhiều người ưa chuộng. Gỗ xoan đào có màu sắc khá đẹp mắt với màu đỏ đậm đặc trưng ( phân biệt rõ ràng với gỗ xoan ta có màu vàng nhạt). Đặc biệt chiều rộng của gỗ Xoan Đào khá to, thẳng và đều mặt gỗ nên có thể ứng dụng làm giường lớn, mặt bàn hoặc tủ quần áo,…
Quy trình sản xuất gỗ Veneer
Mặc dù cũng không quá phức tạp, nhưng để cho ra đời các sản phẩm đạt chất lượng tốt đòi hỏi quy trình sản xuất gỗ veneer phải đảm bảo thực hiện cẩn thận và chính xác các bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu gỗ tự nhiên. Đầu tiên gỗ để dùng làm lớp veneer cần được tiến hành xử lý cơ bản khi tách vỏ, ngâm hoặc luộc, loại bỏ nhựa sau đó sấy hoặc phơi khô. Thông thường đối với các loại gỗ nhập khẩu từ nước ngoài sẽ được xử lý hoàn toàn trước đó rồi mới xuất sang các nước tiêu thụ.
Bước 2: Bóc tách khối gỗ thành các lát mỏng
Bước 3: Sử dụng máy sấy công nghiệp để sấy khô
Bước 4: Phủ keo chuyên dụng lên bề mặt cốt gỗ công nghiệp
Bước 5: Dán lớp veneer lên bề mặt gỗ vừa được phủ keo bằng máy ép nguội hoặc máy ép nóng
Bước 6: Thực hiện thao tác chà nhám để xử lý bề mặt kết hợp đánh bóng cho phẳng và nhẵn mịn
Bước 7: Kiểm tra chất lượng thành phẩm và xuất đi tiêu thụ
Để biết hơn chi tiết các bạn tham khảo thêm nguồn trên wiki: https://en.wikipedia.org/wiki/Wood_veneer
5. Quy trình sản xuất gỗ Veneer
Ứng dụng của Veneer trong nội thất
Không chỉ ở Việt Nam, gỗ Veneer ở các thị trường quốc tế từ lâu đã được biết tới và ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các sản phẩm trang trí nội thất. Một số ứng dụng thường gặp nhất của gỗ veneer có thể kể đến như:
Sàn gỗ Veneer
Nếu như trước đây gạch men thường được sử dụng phổ biến khi lát sàn thì hiện nay xu hướng sử dụng chất liệu gỗ đang ngày càng trở nên thông dụng hơn. Đây là cách khiến cho không gian bên trong ngôi nhà bạn mang nét sang trọng, hiện đại nhưng cũng không kém phần ấm áp và gần gũi với thiên nhiên.
Đặc biệt mặt sàn là khu vực chiếm nhiều diện tích nhất trong ngôi nhà. Do đó việc sử dụng gỗ veneer sẽ là biện pháp tiết kiệm chi phí cực kỳ hiệu quả, nhưng vẫn đồng thời đảm bảo được tính thẩm mỹ của sàn gỗ tự nhiên.
Giường gỗ Veneer
Có thể nói giường là một trong những món đồ nội thất quan trọng đáng được đầu tư nhất trong không gian của một phòng ngủ. Một chiếc giường chắc chắn, đúng gu thẩm mỹ sẽ giúp bạn có được sự thư thái, an toàn sau một ngày làm việc mệt mỏi. Với các đường nét vân gỗ tinh tế cùng bảng màu đa dạng, giường gỗ veneer sẽ là gợi ý tuyệt vời cho ngôi nhà của bạn.
Tủ quần áo gỗ Veneer
Nếu bạn lo lắng về chất lượng cũng như mùi khó chịu của các loại tủ nhựa, hãy thử tham khảo một chiếc tủ quần áo làm bằng chất liệu gỗ veneer này xem sao nhé!
Kệ trang trí gỗ Veneer
Không chỉ dừng lại ở những món nội thất cơ bản, gỗ veneer còn có thể ứng dụng làm thành các điểm nhấn trang trí. Bạn có thể thỏa sức lựa chọn màu sắc cũng như kiểu dáng kệ trang trí gỗ veneer tuỳ theo phong cách hoặc sở thích của mình.
Ứng dụng không gian sử dụng hỗ veneer nổi bật
Không gian nội thất tuyệt vời
Nội thất không gian nhà
Xem thêm: Cỏ nhựa trang trí ốp tường
Còn rất nhiều những ứng dụng khác chúng tôi chia sẻ trong bài viết tiếp theo, Hy vọng với thông tin trên các bạn đã có những kiến thức hữu ích hơn về dòng sản phẩm vật liệu này.